Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Quảng Cát  - TP.Thanh Hóa

CHUNG TAY BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM

Đăng lúc: 00:00:00 15/04/2024 (GMT+7)
100%

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong. Mới đây, ngày 5/4, tại một số trường học trên địa bàn thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ việc hàng chục học sinh nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có một trường hợp tử vong.

          Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
          Mặt khác, quy trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách, cộng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.
          Thực tế cho thấy tại một số địa phương, chính quyền, các cơ quan chức năng còn buông lỏng công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, tình trạng buôn bán các loại thực phẩm chế biến sẵn trước cổng các trường học, hè phố, lòng lề đường, nơi tập trung đông người như bến xe, bệnh viện và tại các sự kiện văn hóa, thể thao… dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
          Theo các chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm, phần lớn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sẽ hết sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời và có những biện pháp đối phó hữu hiệu, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, suy giảm sức đề kháng, thậm chí tử vong.
          Để chủ động bảo đảm an toàn, ngăn chặn kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, trước hết, chính quyền, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
          Các cơ quan, đơn vị liên quan cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm, trong đó xử lý triệt để các trường hợp bán thực phẩm không bảo đảm an toàn chung quanh các trường học, hè phố, lòng lề đường. Đồng thời, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu tại địa phương khi để xảy ra tình trạng công tác quản lý an toàn thực phẩm không hiệu quả hay để xảy ra các vụ ngộ độc lớn trên địa bàn một cách công khai và minh bạch.
          Các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” để giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng những sản 3 phẩm thực phẩm có chất lượng cao, qua đó còn góp phần giảm đến mức thấp nhất những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dân.
          Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nêu cao trách nhiệm-lương tâm, không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người dân để sản xuất, kinh doanh những sản phẩm không bảo đảm chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ.
          Bên cạnh đó, mỗi người dân cần là “Người tiêu dùng thông thái” khi lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm hằng ngày; đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và những hành vi gian lận thương mại nơi mình sinh sống... nhằm chung tay hành động thiết thực bảo đảm an toàn thực phẩm và ngăn chặn hiệu quả các vụ ngộ độc thực phẩm.
Sưu tầm trên trang Báo Nhân dân
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
14
Hôm qua:
243
Tuần này:
257
Tháng này:
9028
Tất cả:
647460

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289