Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Quảng Cát  - TP.Thanh Hóa
TÓM TẮT LỊCH SỬ 75 NĂM THÀNH LẬP VÀ TRƯỞNG THÀNH
CỦA ĐẢNG BỘ PHƯỜNG QUẢNG CÁT
(14/04/1948- 14/04/2023)
 
Phường Quảng Cát nằm ở phía Đông Nam thành phố Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 9km, cách trung tâm thành phố Sầm Sơn 6km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp phường Quảng Phú và phường Quảng Tâm, phía Tây Bắc giáp phường Quảng Đông (thành phố Thanh Hóa), phía Tây giáp xã Quảng Định (huyện Quảng Xương), phía Đông và Đông Nam giáp phường Quảng Thọ và phường Quảng Vinh, phía Nam giáp xã Quảng Minh (thành phố Sầm Sơn).
Phường nằm ở vị trí địa lý tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giao lưu với các khu vực trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nói chung.
 Là vùng đất được bồi đắp bởi hiện tượng biển thoái và sự lắng đọng phù sa sông Mã, sông Chu, phường Quảng Cát có địa hình tương đối bằng phẳng. Theo các cụ cao niên truyền lại, trước đây trên địa bàn có nhiều cồn cát, núi đất, cồn bãi cao thấp nhấp nhô, chủ yếu nằm ở vùng phía Đông, cứ một dải đất cao chạy dài theo hướng Bắc - Nam lại có một dải đất trũng, dải đất cao là khu dân cư, dải đất thấp là diện tích sản xuất nông nghiệp.
     Cách đây 75 năm, Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và số lượng đảng viên ở địa phương, Huyện ủy Quảng Xương chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng tại Quảng Cát. Ngày 14/4/1948, hội nghị thành lập Chi bộ xã Quảng Cát được tổ chức tại nhà ông Tuyên (Làng Hòa Chúng, xã Quảng Thọ), với sự tham dự của đồng chí Vũ Văn Thắng - Cán bộ Huyện ủy Quảng Xương, đồng chí Phạm Văn Bảng (Làng Nang thôn), đồng chí Đỗ Sỹ Đẩng (Làng Yên Cát) và đồng chí Phạm Thị Tề ( Làng Cát Bình). Hội nghị quyết định đặt tên Chi bộ xã là Chi bộ Trần Phú. Đồng chí Vũ Văn Thắng được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Tại hội nghị thành lập, Chi bộ Trần Phú đã thảo luận và quyết định một số vấn đề cấp bách:
Một là:Khẩn trương củng cố, phát triển hệ thống chính trị, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng kết nạp Đảng, kết nạp quần chúng vào tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông hội.
Hai là:Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm, cải thiện đời sống Nhân dân, đóng góp cho kháng chiến.
Ba là:Xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Bốn là:Xây dựng kế hoạch giám sát, theo dõi, quản thúc các phần tử phản động, kịp thời xử lý những tên có biểu hiện chống đối.
Chi bộ Đảng Trần Phú được thành lập là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở Quảng Cát. Dù số lượng đảng viên còn ít, địa bàn hoạt động lại rộng, song với sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân, sự đoàn kết, nhất trí cao về nhận thức, tư tưởng, Chi bộ đã đưa ra nhiều chủ trương sát hợp với tình hình địa phương. Sau khi thành lập, Chi bộ nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ cấp bách đã đề ra.
Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tiến hành cuộc vận động xây dựng “Chi bộ tự động, gương mẫu, tiến bộ”, Chi bộ Trần Phú đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đảng viên, củng cố sức mạnh của Chi bộ, nhằm làm cho mỗi đảng viên là một cán bộ nòng cốt trong mọi công tác trước mắt và nhiệm vụ kháng chiến lâu dài. Song song với việc nâng cao ý thức phê bình và tự phê bình, kiên quyết đấu tranh và đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, xác định phát triển Đảng là một nội dung công tác trọng tâm trong thời kỳ đầu thành lập xã, Chi bộ Trần Phú tích cực tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên mới.
Từ các phong trào quần chúng trên địa bàn, Chi bộ phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố tích cực, đã giác ngộ để đưa vào hàng ngũ cách mạng của Đảng. Ngày 15/7/1948, Chi bộ kết nạp thêm hai đồng chí Phạm Tiến Quyền (Cổ Tháp) và đồng chí Phạm Văn Tranh (Nang Thôn). Ngày 03/8/1948, Chi bộ tiếp tục kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Trọng Xuân (Đà Thôn), nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ lên 7 đồng chí.
Do chú trọng công tác phát triển Đảng, đến cuối năm 1948, Chi bộ Trần Phú đã có 33 đảng viên. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ Trần Phú tiến hành Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ (1948 - 1949), triển khai học tập Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ I (tháng 02/1948) và bầu Ban Chi ủy gồm 3 đồng chí, do đồng chí Đỗ Sỹ Đẩng làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Phạm Văn Tranh làm Phó Bí thư, đồng chí Phạm Văn Dớn - Ủy viên.
Sau Đại hội, việc thành lập các tổ Đảng theo từng khu vực địa bàn dân cư được chú trọng. Đồng thời, Chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng phần việc, phụ trách các đoàn thể quần chúng và coi đó là thước đo năng lực, nhiệt tình công tác để phân loại, xếp loại qua mỗi nhiệm kỳ.
Từ khi thành lập vào tháng 4/1948 đến đầu năm 1954, Chi bộ Trần Phú đã tiến hành 3 kỳ Đại hội:
Qua các kỳ Đại hội, đội ngũ cấp ủy Chi bộ không ngừng được củng cố, kiện toàn. Nhận thức rõ để làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền xã phải được xây dựng, củng cố vững chắc, Chi bộ đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia các lớp học chính trị nhằm nâng cao lập trường tư tưởng, củng cố niềm tin của các đồng chí vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đa số đảng viên trong Chi bộ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, kiên định với lý tưởng mà mình đã lựa chon.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng về mở “Lớp đảng viên tháng Tám”, từ năm 1948 đến năm 1950, cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới ở xã Quảng Cát đã được quan tâm. Trong 3 năm, Chi bộ đã giới thiệu kết nạp hàng chục đồng chí vào Đảng. Đến năm 1950, Chi bộ đã có 130 đảng viên.
Sau 6 năm thành lập, Chi bộ Đảng Trần Phú đã lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân trong xã Quảng Cát không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Đảng, chính quyền các đoàn thể nhân dân vững mạnh nhằm mục đích xây dựng, bảo vệ quê hương. Từ 4 đảng viên những ngày đầu thành lập, số lượng đảng viên của Chi bộ ngày tăng lên. Đảng viên của Chi bộ đều đã trải qua rèn luyện, có năng lực chiến đấu và bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ cách mạng mới.
Giai đoạn lịch sử 1945 - 1954 là chặng đường nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Cát. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đứng trước những khó khăn chồng chất về kinh tế, xã hội, thù trong giặc ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân trong xã Quảng Cát đã kiên cường vượt qua mọi thách thức để bảo vệ chính quyền non trẻ. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Nhân dân địa phương lại đoàn kết một lòng cùng với cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi bè lũ xâm lăng. Từ năm 1948, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Trần Phú, Nhân dân đã ra sức đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của hậu phương lớn, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quê hương Quảng Cát có 50 thanh niên nhập ngũ, 23 người tham gia Thanh niên xung phong, hàng trăm người tham gia lực lượng dân quân, du kích chiến đấu, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường. Nhân dân các thôn Yên Cát, Nang Thôn, Cổ Tháp đã đóng góp cho cuộc kháng chiến hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm. Chín năm kháng chiến, Quảng Cát đã huy động được hàng chục đợt dân công với hơn 230 lượt người phục vụ các chiến trường, chiến dịch, với phương tiện vận chuyển chủ yếu là gánh bộ, xe cút kít và xe đạp thồ. Ghi nhận những thành tích đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương được Đảng và Nhà nước, tỉnh, huyện và các ban ngành, đoàn thể trao tặng một Huân chương kháng chiến, 75 người được tặng thưởng huy chương các loại, cùng nhiều người được tặng bằng khen, giấy khen khác.
Trong phong trào triệt để giảm tô, chuẩn bị cải cách ruộng đất, đầu năm 1954, để phù hợp với sự phát triển của cách mạng, huyện Quảng Xương đã tiến hành chia xã lớn thành các xã nhỏ, xã Quảng Cát (lớn) được chia thành 3 xã là Quảng Cát (xã mới), xã Quảng Minh và xã Quảng Tâm. Cùng với việc chia tách xã, Huyện ủy Quảng Xương ra quyết định thành lập các chi bộ Đảng ở các xã mới. Chi bộ xã Quảng Cát có 32 đảng viên, được chia thành các tổ Đảng theo đơn vị thôn, mỗi tổ có tổ trưởng phụ trách.                                                                                                                        Sau thời gian ngắn làm công tác chuẩn bị, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, tháng 5/1954, Chi bộ Đảng xã Quảng Cát tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1954 - 1955. Đại hội xác định những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là: Hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, cấy trồng kịp thời vụ; chống phá âm mưu cưỡng ép dân di cư vào Nam của địch, phát động quần chúng đấu tranh buộc địa chủ không được khai man diện tích; tăng cường củng cố, phát triển các tổ chức quần chúng, động viên nhân dân tăng gia sản xuất. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Chi bộ (Chi ủy), đồng chí Phạm Văn Tường được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Sau Đại hội, Chi bộ xã tập trung lãnh đạo xây dựng củng cố các tổ chức đoàn thể, ban ngành đồng thời bắt tay ngay vào việc đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương sau khi thành lập xã mới với những thuận lợi cơ bản: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, có điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện, thử thách qua kháng chiến, từng bước trưởng thành, có nhiệt tình cách mạng; Nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa và Huyện ủy Quảng Xương về củng cố xây dựng chính quyền phù hợp với thời kỳ mới, Chi bộ Đảng xã Quảng Cát chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền chiến thắng, tổ chức đón các đồng chí bộ đội xuất ngũ trở về, đồng thời tích cực tuyên truyền 10 chính sách lớn trong nông nghiệp của Chính phủ, đẩy mạnh công tác y tế và phong trào văn hóa, văn nghệ… Thời điểm này, theo chủ trương của trên, Ủy ban kháng chiến hành chính xã được đổi thành Ủy ban hành chính.
Sau Đại hội Chi bộ lần thứ nhất (1954), Chi bộ Quảng Cát tiếp tục tổ chức thêm 3 kỳ họp, đại hội. Mỗi kỳ họp đã vạch ra đường lối phát triển cho xã theo từng thời kỳ, kiện toàn Ban Chấp hành Chi bộ. Tổ chức Đảng được củng cố, kiện toàn, hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong sản xuất và phong trào hợp tác hóa được nâng lên rõ rệt. Thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, Chi bộ Đảng chú ý bồi dưỡng, giáo dục các nhân tố tiên tiến, tích cực để bổ sung vào hàng ngũ của Đảng.
Cán bộ, đảng viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ. Tất cả đảng viên đều qua 2 đợt chỉnh huấn chính trị, học tập và kiểm tra theo tinh thần các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Qua các đợt học tập chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy, hầu hết cán bộ, đảng viên thông suốt chủ trương, đường lối của Đảng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của địa phương, lãnh đạo Nhân dân thực hiện đạt kết quả tốt.
Phong trào thi đua “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” được phát động rộng rãi trong Nhân dân. Khắp đường làng ngõ xóm là các khẩu hiệu: “Toàn dân tích cực tăng gia sản xuất, “Cứu đói như cứu hỏa”… Hưởng ứng phong trào, Nhân dân Quảng Cát tích cực khắc phục khó khăn do thời tiết gây ra, kịp thời trồng các loại hoa màu ngắn ngày như ngô, đỗ, lạc, khoai lang…, phấn đấu tự túc được lương thực. Công tác phục hóa, phá hoang được đẩy mạnh. Nhân dân tập trung phát quang bờ bụi, phục hồi các thửa ruộng bị bỏ hoang. Xác định làm thủy lợi là vấn đề cấp thiết và trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp, Nhân dân Quảng Cát đã cùng Nhân dân trong huyện tích cực tham gia tu sửa đập Bái Thượng và hệ thống thủy nông sông Chu, tu bổ hệ thống đê điều, kênh mương dẫn nước.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, Chi bộ Đảng đề phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm 1958 - 1960 là kiên quyết tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, đặc biệt là cải tạo nông nghiệp theo con đường làm ăn tập thể, củng cố, duy trì và phát triển đều khắp các tổ đổi công trong các thôn xóm để tiến tới việc xây dựng hợp tác xã điểm. Việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đi đôi với việc xây dựng hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán, đẩy mạnh phong trào “ba ngọn cờ hồng” trong nông thôn. Phong trào hợp tác hóa có những bước đi phù hợp, từ 3 hợp tác xã nông nghiệp cuối năm 1958, năm 1960 xã đã xây dựng được 18 hợp tác xã ở 18 xóm. Hoạt động của hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán có chuyển biến tích cực. Chi bộ Đảng, chính quyền được củng cố vững chắc. Đời sống của Nhân dân được nâng lên. Phát huy những thành tích đã đạt được, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Quảng Cát vững vàng bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.
Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, Nhân dân Quảng Cát bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi ở khắp các hợp tác xã. Xã viên thi đua làm thủy lợi giỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thi đua cải tiến công cụ, làm phân bắc, phân xanh… Chị em hội viên phụ nữ hăng hái tham gia phong trào “5 tốt”, đoàn viên thanh niên đẩy mạnh phong trào “Những người xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Để chống úng, bảo vệ lúa mùa, các chi đoàn thanh niên tổ chức tát nước, nhổ mạ ban đêm với khẩu hiệu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Để chống hạn, với khẩu hiệu “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “Nghiêng sông đổ nước vào đồng”, Nhân dân không quản ngại khó khăn, vất vả, hàng ngày hàng trăm người tham gia khai dòng tát nước vào đồng.
Từ trong phong trào thi đua lao động sản xuất, ý thức phê bình, tự phê bình của cán bộ, đảng viên được nâng cao, vai trò của Chi ủy trong xác định phương hướng sản xuất được tăng cường. Nhiều quần chúng ưu tú được phát hiện và bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trong hai năm 1961 - 1962, Chi bộ đã giới thiệu hàng chục đoàn viên ưu tú đi học các lớp cảm tình Đảng, trong số đó, nhiều người vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Trước sự lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng đảng viên, nhất là những thành tựu đạt được trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, căn cứ Điều lệ Đảng và số lượng đảng viên trong Chi bộ Đảng, Huyện ủy Quảng Xương quyết định thành lập Đảng bộ xã Quảng Cát. Năm 1962, Chi bộ Đảng xã Quảng Cát được nâng cấp thành Đảng bộ xã. Sự kiện thành lập Đảng bộ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của tổ chức Đảng xã Quảng Cát.
Sau khi có quyết định thành lập, Đảng bộ xã tiến hành Đại hội Đảng và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1962 - 1965, trọng tâm là: Ra sức phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh củng cố hợp tác xã; phát huy tối đa những điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965); tập trung xây dựng tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền vững mạnh.
      Phấn khởi trước sự kiện thành lập Đảng bộ tại địa phương, quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong xã hăng hái tiến lên thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương. Năm 1962, thực hiện chủ trương của trên, Đảng ủy xã đã chỉ đạo sáp nhập 2 hợp tác xã xóm thành hợp tác xã liên xóm. Tên xóm vẫn giữ nguyên, hợp tác xã có tên mới như: hợp tác xã Cát Yên sáp nhập với hợp tác xã Cát Ninh thành hợp tác xã nông nghiệp Ninh Hồng, hợp tác xã Cát Thượng sáp nhập với hợp tác xã Cát Thanh thành hợp tác xã nông nghiệp Thanh Xuyên, hợp tác xã Cát Đông sáp nhập với hợp tác xã Cát Đức thành hợp tác xã nông nghiệp Đông Đức.
Cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, Đảng ủy còn quan tâm đến công tác kiện toàn bộ máy chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Các phong trào thi đua “5 tốt” của Hội Phụ nữ và “Những người xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” của Đoàn Thanh niên tiếp tục diễn ra sôi nổi. Đoàn Thanh niên trong các hợp tác xã còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi tay cày - Hay tay súng”. Hội Phụ nữ với phong trào “Sản xuất - tiết kiệm - tương trợ” trở thành lực lượng hăng hái trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
    Qua thời gian thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 -1965), Chi bộ Đảng (từ năm 1962 là Đảng bộ) và Nhân dân xã Quảng Cát đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt. Các hợp tác xã thực hiện thành công chương trình cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đưa các hợp tác xã quy mô xóm lên quy mô liên xóm, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố và phát triển. Văn hóa, y tế, giáo dục đều có chuyển biến tích cực. Chính quyền, công an, xã đội, mặt trận và các đoàn thể quần chúng thường xuyên được củng cố, phát huy tốt vai trò chức năng. Đảng bộ ngày càng trưởng thành, chất lượng đảng viên được nâng cao, số lượng đảng viên đến đầu năm 1965 tăng lên 74 đồng chí. Những kết quả đạt được trong 5 năm (1961 - 1965) là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và Nhân dân Quảng Cát vượt qua thử thách, thực hiện tốt các nhiệm vụ ở giai đoạn tiếp theo.
Công tác xây dựng Đảng thời kỳ 1969 - 1972 gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục sản xuất, chi viện cho miền Nam. Đảng bộ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, giao cho mỗi đồng chí cấp ủy và mỗi cán bộ chủ chốt phải trực tiếp tham gia lao động một số lượng ngày công nhất định trong tháng và trực tiếp tham gia sinh hoạt với các tổ chức quần chúng. Do đó, đại đa số đảng viên luôn gương mẫu, tích cực đảm đương, gánh vác mọi nhiệm vụ được giao phó.
Công tác kiểm điểm, phân loại đảng viên theo yêu cầu “4 tốt” tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tỷ lệ đảng viên đạt 4 tốt, đạt loại khá ở các chi bộ cao, không có đảng viên xếp loại trung bình hay yếu kém. Do làm nghiêm công tác xây dựng Đảng, đến cuối năm 1971, số đảng viên đạt 7 yêu cầu ở các chi bộ được nâng lên. Sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đảng viên được nâng cao, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Chấp hành chủ trương của Huyện ủy về việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp quy mô toàn xã, đầu năm 1974, 3 hợp tác xã Yên Cát 1, Yên Cát 2, Nang Thôn được sáp nhập thành hợp tác xã nông nghiệp toàn xã Quảng Cát. Hợp tác xã có 18 đội sản xuất được sắp xếp trên cơ sở 20 xóm cũ. Hợp tác xã tiến hành Đại hội xã viên, đánh giá kết quả sản xuất năm 1973, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và bầu Ban quản trị hợp tác xã do đồng chí Phạm Văn Sự làm Chủ nhiệm.
 Nhận thức rõ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, từ năm 1965 đến năm 1975, Đảng bộ xã chỉ đạo Nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, tổ chức tốt các đợt tuyển quân, tiễn đưa thanh niên vào chiến trường. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), toàn xã đã có 1.200 thanh niên lên đường nhập ngũ, tổ chức 6 đợt thanh niên xung phong với 103 người tham gia và 7 đợt dân công hỏa tuyến với 130 người tham gia. Công tác ủng hộ, tiếp tế cho tiền tuyến được coi trọng, toàn xã có 920 lượt người sử dụng mọi loại phương tiện có sẵn như xe thồ, xe cải tiến… để vận chuyển lương thực, đạn dược… đảm bảo cung cấp đầy đủ và liên tục cho tiền tuyến. Riêng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 170 chiến sỹ - 170 người con của Quảng Cát đã trực tiếp tham gia chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của quân và dân ta.
Trong chặng đường hơn 20 năm (1954 - 1975) vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Quảng Cát đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh và giành được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 1954 - 1965, Chi bộ, sau đó là Đảng bộ xã lãnh đạo Nhân dân thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ đem lại ruộng đất cho nông dân. Năm 1962, Chi bộ Đảng xã được nâng lên thành Đảng bộ đã đánh dấu bước trưởng thành, đủ sức lãnh đạo Nhân dân thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng: Xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc, nơi tiền tuyến, Quảng Cát đã có 129 người con anh dũng hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, 91 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Ở hậu phương, nhiều gia đình dành nhà ở cho Nhà nước làm kho quân lương, cửa hàng bách hóa làm lớp học cho học sinh các cấp hoặc nơi ăn ở, an dưỡng của bộ đội.
Những nỗ lực, đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Quảng Cát vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đã được Đảng, Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa và huyện Quảng Xương ghi nhận, khen thưởng. Về tập thể: 5 Bằng khen, 15 giấy khen các loại. Về cá nhân: 312 người được tặng thưởng huân chương các hạng, 432 người được tặng thưởng huy chương các hạng và nhiều bằng khen, giấy khen.
Đến cuối năm 1975, diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn đã có những chuyển biến lớn. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không ngừng được củng cố, hoàn thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là hành trang quan trọng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Cát vững vàng bước vào thời kỳ cách mạng mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của Nhân dân ta. Với thắng lợi này, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Cát có những thuận lợi cơ bản: Đất nước hòa bình, nhiều người con trở về từ chiến trường, góp sức xây dựng quê hương. Qua thời kỳ khôi phục và cải tạo nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và một số công trình phúc lợi phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội bước đầu được xây dựng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo được rèn luyện trong thực tiễn ngày càng trưởng thành. Đời sống của Nhân dân được cải thiện; Nhân dân một lòng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Cát đã tập trung xây dựng quê hương, khắc phục hậu quả của chiến tranh, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục của địa phương.
Từ tháng 5/1975 đến đầu năm 1985 Đảng bộ đã tổ chức 4 kỳ Đại hội (lần thứ XIII, XIV, XV, XVI), Đại hội đã tập trung lãnh đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý kinh tế, đảm bảo quyền làm chủ tập thể của người lao động, tăng cường hiệu lực của chính quyền, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mang về khoa học – kỹ thuật là then chốt, với tinh thần “Mỗi đảng viên là một chiến sỹ tiên phong, mỗi Đảng bộ cơ sở là một pháo đài thép, mỗi cấp ủy là một động lực cách mạng mạnh mẽ, mỗi công dân là một lao động tiên tiến”. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo tổ chức lại lực lượng lao động, người nông dân đã nêu cao tinh thần làm chủ với ý thức lao động mới, lao động có kỹ thuật, có kỷ luật. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhân dân đã khẩn trương san lấp hố bom, mở rộng diện tích canh tác, thực hiện thâm canh, tăng năng xuất cây lúa và tích cực làm rau màu. Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo sự phối hợp giữa nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để có sự hỗ trợ bổ sung cho nhau trong sản xuất vì vậy mà sản lượng sản phẩm tăng cao.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khoán 100 đã khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm, tạo động lực thúc đẩy xã viên tự giác đầu tư thêm công lao động, phân bón, năng động trong khâu sản xuất để đạt năng suất cao hơn. Không chỉ chú trọng trồng lúa, xã viên hợp tác xã còn đẩy mạnh trồng các loại cây hoa màu như ngô, khoai góp phần phục vụ chăn nuôi, giải quyết khó khăn về lương thực và đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước. Qua một năm triển khai thực hiện khoán 100, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Quảng Cát chuyển biến rõ rệt, sức sản xuất được giải phóng, tinh thần làm việc của xã viên được nâng cao. Thu nhập của xã viên tăng, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Sản xuất lương thực ổn định tạo điều kiện cho chăn nuôi có những bước tiến mới, số lượng đàn vật nuôi như trâu bò, lợn, gia cầm đều tăng, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Các ngành nghề thủ công nghiệp, ngành nghề phụ như mây tre đan, làm thảm cói, các nghề làm vật liệu xây dựng, nấu vôi, đóng gạch... cũng được quan tâm và phát triển tương đối mạnh. Thị trường buôn bán được mở rộng, sản phẩm thủ công của Quảng Cát có mặt ở nhiều tỉnh trong cả nước.
 Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về phân bổ lại lao động xã hội, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia cuộc vận động chuyển dịch dân số, định cư khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Kết quả, trong 2 năm 1982 - 1983, xã Quảng Cát đã tổ chức 3 đợt đưa Nhân dân đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc. Tổng số hộ đi định cư khai hoang, xây dựng kinh tế mới là 80 hộ với hơn 500 nhân khẩu.
Cùng với thắng lợi trên mặt trận kinh tế, công tác giáo dục, y tế có những bước tiến khá so với giai đoạn trước. Hệ thống các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường phổ thông không ngừng được đầu tư, tăng cường về cơ sở vật chất. Hàng năm, Ủy ban nhân dân và hợp tác xã đều hỗ trợ kinh phí giúp các trường tu sửa, đóng mới bàn ghế. Phong trào thi đua “Hai tốt” được duy trì, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của đội ngũ cán bộ, học sinh các trường. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng phát triển, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập và đi biểu diễn ở các thôn, xóm. Nếp sống văn minh đã hình thành trong Nhân dân được giữ vững, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi. Trạm y tế làm tốt vai trò, nhiệm vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm tra, theo dõi thường xuyên nên không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Thắng lợi trên các mặt sản xuất – Văn hoá,xã hội là kết quả của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý gắn liền với sự lớn mạnh của Đảng bộ, chính quyền xã. Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng nề nếp sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, tổ chức cho đảng viên học tập, nghiên cứu các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tự kiểm điểm 5 tư cách với phương châm: “Đoàn kết, chất lượng, làm trong sạch nội bộ, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết, nhận thức, tư tưởng và lập trường quan điểm của người đảng viên được nâng cao một bước, từ đó vững vàng vượt qua mọi khó khăn để làm tròn trách nhiệm được giao.
Trong 10 năm (1975 – 1985) Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Cát đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, thử thách trên tất cảc các lĩnh vực. Song dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ Quảng Xương, Đảng bộ, Ban chấp hành đảng bộ đã có nhiều sáng tạo, đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ sát thực với tình hình thực tế của xã nhà đồng thời đã có những giải pháp phù hợp lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, Quốc phòng - An ninh, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào để tiếp tục bước vào thời kỳ đổi mới một cách toàn diện theo đường lối đổi mới của Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong giai đoạn tiếp theo
 Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1985 cho đến nay, quê hương Quảng Cát ngày càng thay da đổi thịt. Ngày 29/02/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hoằng Hoá, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Quảng Cát được điều chỉnh chuyển về thành phố Thanh Hóa.
Thực hiện Nghị quyết 106/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; ngày 17/8/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 3110/QĐ-UBND về việc đổi tên; chuyển thôn thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 18 thôn của xã Quảng Cát được sáp nhập thành 9 thôn từ thôn 1 đến thôn 9.
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1108/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa. Điểm đ, khoản 1, điều 1 của Nghị quyết 1108 nêu rõ: “Thành lập phường Quảng Cát trên cơ sở toàn bộ 6,65 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.505 người của xã Quảng Cát.
Từ năm 1985 đến nay, trải qua 10 kỳ Đại hội (từ Đại hội lần thứ XVI đến Đại hội lần thứ XXVI ( nhiệm kỳ 2020 – 2025), Đảng bộ đã trải qua những bước thăng trầm. Cũng có thời gian phát triển kinh tế gặp khó khăn, tình hình ANTT diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội hoành hành, tư tưởng nhân dân bất an …
Tuy nhiên, được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của huyện uỷ,HĐND,UBND huyện Quảng Xương;Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thanh Hoá và sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, nhận thức và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, năng lực lãnh đạo của các chi bộ đảng ngày càng được nâng cao; công tác quản lý, giáo dục đảng viên ở chi bộ có nhiều chuyển biến, chất lượng sinh hoạt tốt hơn, công tác tự phê bình và phê bình ngày càng được thực hiện dân chủ hơn, đã đem lại cho phường Quảng Cát một diện mạo mới, một vị thế mới
Những thành tựu đã đạt được trong 75 năm qua gắn liền với sự trưởng thành, lòng trung kiên của các đồng chí đảng viên trên mặt trận đấu tranh bảo vệ tổ quốc, trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, Đảng bộ đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong phường thi đua sản xuất, phát triển kinh tế. Từ chi bộ đảng đầu tiên khi được thành lập ngày 14/04/1948 ( Chi bộ Trần Phú ), đến năm 1954 được tách riêng là chi bộ Quảng Cát, tại Đại hội lần thứ nhất chi bộ có 32 đồng chí đảng viên, đến nay số đảng viên trong Đảng bộ là 354 đồng chí được sinh hoạt trong 15 chi bộ trực thuộc, đó là những thành tích rất đáng tự hào.
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ phường ngày (14/04/1948 – 14/04/2023), phát huy những thành tích đã đạt được. Đảng bộ và nhân dân phường Quảng Cát quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Với phương châm mà Nghị quyết đại hội lần thứ XXVI đã đề ra đó là:
“Đoàn kết – Kỷ cương – Nêu gương - Phát triển”

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ PHƯỜNG QUẢNG CÁT
KHÓA XXVI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
 
 
 


 
 
 
  

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
28
Hôm qua:
374
Tuần này:
998
Tháng này:
12596
Tất cả:
638103

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289